Lịch sử Shinsengumi

Hình thành

Năm Bunkyū thứ 2 (1862), Chí sĩ Kiyokawa Hachirō đến từ Phiên Shonai dâng kiến sách lên Mạc phủ Edo, nhân dịp tướng quân Tokugawa Iemochi lên kinh diện thánh, với mục đích tuyển mộ lang sĩ được Mạc phủ tài trợ trên danh nghĩa hộ tống tướng quân.

Ngày 27 tháng 2 năm Bunkyū thứ 3 (1863), Kiyokawa tuyển được hơn 2000 lang sĩ (rōshi) lập thành một nhóm mang tên Rōshigumi, dưới sự chỉ huy của 13 thành viên chủ chốt về sau trở thành 13 sáng lập viên của Shinsengumi. Trước khi tướng quân lên kinh, cả nhóm chia nhau đóng quân ở hướng tây đường Nakasen, chủ quản Rōshigumi gồm các chí sĩ nổi tiếng đương thời là Matsudaira Kazusanosuke, Udono Kyūō, Kubota Shigekatsu, Yamaoka Tetsutarō, Matsuoka Yorozu, ChyūJō KinnosukeSasaki Tadasaburo đồng nhậm chức. Kiyokawa Hachirō hiểu rõ thế lực Cần Vương, lúc đó Rōshigumi phát hiện ra bản kế hoạch do binh lực thuộc hạ Thiên Hoàng sử dụng. Kết quả diễn ra hội nghị giữa các viên chủ quản của Rōshigumi, nhằm ngăn chặn kế hoạch của Kiyokawa, Rōshigumi đã trở về Edo. Ít lâu sau xuất hiện mầm mống bè phái và đối đầu gay gắt trong nhóm bao gồm phái Shieikan mà trung tâm là Kondō IsamiHijikata Toshizō, phái Suido mà trung tâm là Serizawa Kamo, vì cố gắng bảo vệ tướng quân mà họ chủ trương lưu lại Kyoto.

Udono Kyūō ban chỉ thị chiêu mộ những người lưu lại giao cho hai đội viên Iesato TsuguoTonouchi Yoshio của Rōshigumi thực hiện, đáp lại chỉ có phái Shieikan và Suido, còn lại một phái dưới quyền Iesato là Negishi Yūzan thuộc làng Mibu ở Kyoto, phái Negishi Yūzan ly khai ngay sau đó, khiến Iesato và Tonouchi quyết định tẩy chay họ. Tháng 3 cùng năm, với mục đích thực hiện quyết định nhương Di căn cứ vào chính sách Công Vũ hợp thể, tiền thân của Shinsengumi là bắt nguồn từ nhóm Miburōshigumi. Mặt khác, những thành viên trung thành với Mạc phủ Tokugawa thì trở về Edo và thành lập nhóm Shinchōgumi (新徴組) (‘’Tân Trưng Tổ’’). Các thành viên Shinsengumi ban đầu được gọi là Miburō (壬生浪) (‘’Nhâm Sinh Lang’’), nghĩa là "ronin của Mibu", trụ sở của Miburōshigumi đóng ở dinh Yagi và Maekawa ở làng Mibu thuộc vùng ngoại ô Kyoto, tiến hành tuyển mộ thành viên đợt đầu tiên. Kết quả hình thành một tập thể khoảng 36 người, quan Thủ Hộ Kyoto là Matsudaira Katamori chủ yếu đảm nhiệm việc phòng vệ trong thành kiêm chủ quản các lang sĩ lang thang. Tuy vậy, danh tiếng của Shinsengumi bị vấy bẩn không lâu sau đó, và biệt danh của họ đổi thành "những con sói ở Mibu" (壬生狼, cùng cách phát âm ‘’Nhâm Sinh Lang’’). Chỉ huy ban đầu của Shinsengumi là Serizawa Kamo, Kondō Isami, và Shinmi Nishiki.

Ban đầu, Shinsengumi được chia thành 3 phái: phái Serizawa, phái Kondō và phái Tonouchi. Tuy nhiên, Tonouchi và Iesato bị ám sát không lâu sau khi nhóm này thành lập.

Phái Serizawa:

Serizawa Kamo
Niimi Nishiki
Hirayama Gorou
Hirama Jūsuke
Noguchi Kenji
Araya Shingorou
Saeki Matasaburou

Phái Kondō:

Kondō Isami
Hijikata Toshizō
Inoue Genzaburō
Okita Sōji
Nagakura Shinpachi
Saitō Hajime
Harada Sanosuke
Tōdō Heisuke
Yamanami Keisuke

Phái Tonouchi:

Tonouchi Yoshio
Iesato Tsuguo
Abiru Aisaburo
Negishi Yūzan

Sau khi Tonouchi Yoshio và phái thứ ba bị trừ khử, đội được phân thành hai phái: phái Mito của Serizawa và phái Seikan của Kondō Isami, cả hai đều đóng ở Mibu gần Kyoto. Nhóm này đệ trình một bức thư lên gia tộc Aizu xin phép đảm nhận nhiệm vụ trị an ở Kyoto, và để chống lại những nhóm chí sĩ chống lại Mạc phủ Tokugawa. Yêu cầu này được chấp nhận.

Tháng 4 cùng năm, Hiranoya Goeimon, một lái buôn tiền người Osaka đồng ý chu cấp 100 ryō cho nhóm, kế đến Miburōshigumi bắt đầu tự tay làm trang phục, cờ xí cùng việc chế định nội quy trong đội. Sang tháng 6, xảy ra vụ ẩu đả giữa Miburōshigumi với nhóm lực sĩ Sumo người Osaka khiến vài thành viên bị thương. Cả nhóm vội đưa người bị thương ra ngoài và dâng cáo trạng đòi xét xử, Phụng Hành Sở phán lỗi thuộc về phía lực sĩ, yêu cầu phía lực sĩ phải xin lỗi bằng cách bồi thường 50 ryō qua cho Miburōshigumi.

Tháng 8 cùng năm, Serizawa Kamo tuyển mộ được khoảng 30 thành viên vô nhóm mình, chủ hiệu buôn tơ lụa ở Kyoto là Yamatoya Shōeimon vì lén lút buôn bán với người nước ngoài nên đã bị nhóm của Serizawa giết chết rồi nổi lửa đốt cháy cửa hiệu, không may lửa cháy lan dữ dội khiến dân chúng quanh phố phải vội gọi đội cứu hỏa Bukebikeshi tới dập lửa ngay, hỏa hoạn suốt đêm làm thiệt hại nhà cửa các hộ dân xung quanh. Matsudaira Katamori vô cùng phẫn nộ khi nhận được tin này, vội ra lệnh triệu Kondō tới xử trí vụ việc, tuy không ít tài liệu hiện tại đã phủ nhận sự kiện này.[4]

Vào trung tuần tháng 8, gia tộc Chōshū bị Mạc phủ Tokugawa, phiên Aizu và phiên Satsuma ép phải rời khỏi triều đình. Tất cả các thành viên của Miburōshigumi nhận lệnh của phiên Aizu xuất quân đến cứu viện và giữ cho những người Chōshū tránh xa khỏi cung điện. Điều này dẫn đến một cuộc chuyển giao quyền lực chính trị ở vùng Kyoto, từ những lực lượng cực đoan Chōshū chống Tokugawa về tay lực lượng Aizu ủng hộ Tokugawa. Hành động này được sử sách gọi là cuộc chính biến ngày 18 tháng 8, chính trong sự kiện này mà toàn đội phụng mệnh cấp trên chính thức đổi sang tên mới thành Shinsengumi. Cái tên mới "Shinsengumi" được cho là do Phiên chủ Matsudaira Katamori ban cho (daimyo của gia tộc Aizu) cho cộng việc canh gác cổng của họ.[5] Ngoài ra, tên gọi này có thuyết nói là do Vũ gia truyền tấu ban cho.[6] Thuyết của hậu thế thì nói Katamori ban cho tên này có ý nghĩa nhằm ám chỉ lực lượng phòng vệ tổng hành dinh Phiên chủ Aizu.

Trớ trêu là, những hành động thiếu cẩn trọng của Serizawa và Shinmi, thực hiện dưới cái tên Shinsengumi, khiến nhóm này làm cả Kyoto phải sợ hãi, trong khi nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn hòa bình. Ngày 19 tháng 10 cùng năm, Hijikata và Yamanami hạ lệnh giáng Shinmi Nishiki xuống cấp phó chỉ huy vì đã đánh nhau với một võ sĩ sumo, sau cùng ép phải mổ bụng tự sát (‘’Seppuku’’).

Không đến hai tuần sau đó, nhóm của Kondō, Hijikata Serizawa đã ra tay ám sát Hirayama Gorō và Serizawa Kamo tại dinh thự Yagitei theo lệnh của Matsudaira Katamori. Một vài thành viên sống sót trong nhóm là Hirama Jyūsuke kịp thời tẩu thoát còn Noguchi Kenji bị bắt và buộc phải thực hiện seppuku vào tháng 12. Phái Suido chính thức bị tiễu trừ, từ đó trở đi phái Shieikan hoàn toàn nắm độc quyền kiểm soát toàn đội và chuẩn bị tổ chức đạt tới đỉnh điểm dưới sự chỉ huy tài tình của Kondō Isami.

Phát triển

Ngày 5 tháng 6 năm Genji nguyên niên (1864), Shinsengumi ra quân đột kích và bắt giữ các chí sĩ phái Tôn Vương nhương Di đồng thời kịp ngăn được vụ thiêu cháy Kyoto trong sự kiện Ikedaya, khiến cho danh tiếng của họ vang lừng khắp thiên hạ. Tháng 8, cả nhóm tham gia vào việc trấn áp loạn quân Chōshū trong sự biến Cấm Môn.

Nhờ các hoạt động công vụ tích cực tại Ikedaya, Cấm Môn mà Shinsengumi được triều đình, Mạc Phủ và phiên Aizu xuống chiếu ban thưởng hơn 200 ryō cùng thư khen ngợi. Tháng 9 cùng năm, Shinsengumi chính thức tiến hành đợt tuyển mộ thành viên lần hai, trong lúc ấy thì Kondō vội trở về quê nhà ở Edo nhân dịp Itō Kashitaro cùng thân thuộc dưới trướng xin gia nhập đội. Kể từ đó, Shinsengumi dần trở thành một tập đoàn lớn mạnh với hơn 200 thành viên, để có chỗ thu nạp thêm thành viên toàn đội quyết định dời trụ sở từ đồn Mibu chuyển sang chùa Nishi Honganji.

Ngoài ra, nhằm phát huy tính minh xác trong mệnh lệnh chỉ huy trên chiến trường để chuẩn bị tham gia vào cuộc chinh phạt Chōshū do Mạc Phủ phát động, toàn đội lập tức tiến hành cải tổ theo chế độ tiểu đội (chia ra làm tám đội gồm đội một đến đội tám kèm khí cụ Shōkadazatsu), ban hành quy định trong quân ngũ. Tuy không trực tiếp tham chiến chính thức nhưng Shinsengumi vẫn điều quân tới hỗ trợ đội quân thảo phạt. Tháng 1 năm Keiō nguyên niên (1865), Shinsengumi kịp thời phát hiện và ngăn chặn kế hoạch thâu tóm thành Osaka của dư đảng cần Vương phiên Tosa trong sự kiện Zenzaiya.

Tháng 8 năm Keiō thứ 2 (1866), Tướng quân Tokugawa Iemochi đột ngột qua đời khi đang trên đường dẫn quân thảo phạt phiên Chōshu, ít lâu sau cuộc chinh phạt Chōshū lần 2 thất bại hoàn toàn, đánh dấu thời khắc suy tàn của quân đội Mạc Phủ sau hơn 260 năm thống trị Nhật Bản. Shinsengumi lập tức phái người tới bảo vệ trong lễ tang của tướng quân. Một tháng sau thì xảy ra sự kiện Sanjyō Seisatsu (Tam Điều Chế Trát), bắt nguồn từ vụ bảng cáo thị buộc phiên Chōshū tội phản bội Thiên Hoàng đặt cạnh cầu Daisanjou bị những võ sĩ phiên Tosa phá bỏ rồi vứt xuống dưới cầu, Shinsengumi được lệnh canh giữ bảng cáo thị, đồng thời điều quân lùng sục và bắt giữ thủ phạm gây án. Sau khi xử lý sự vụ xong thì cả nhóm được thưởng một số tiền lớn.

Tháng 3 năm Keiō thứ 3 (1867), Itō Kashitaro vì mâu thuẫn tư tưởng với Shinsengumi mà tự ý rút khỏi nhóm thành lập đội Goryōeji (Ngự Lăng Vệ Sĩ) với mục đích bảo về hoàng cung. Tháng 6 cùng năm Shinsengumi được đề bạt làm gia thần Mạc Phủ. Bước sang tháng 11, nhằm củng cố nội bộ trong nhóm, tránh gây chia rẽ nên Shinsengumi dưới trướng của Kondō, Hijikata đã quyết định ra quân tập kích đội Goryōeji và ám sát Itō trong sự kiện Aburanokō (được xem là cuộc xung đột nội bộ cuối cùng của Shinsengumi).

Tan rã

Tháng 10 năm Keiō thứ 3 (1867), tướng quân Tokugawa Yoshinobu thực hiện Đại Chính Phụng Hoàn. Tuy nhiên, Shinsengumi vẫn trung thành với Mạc phủ Tokugawa và chính thức gia nhập hàng ngũ quân đội Mạc Phủ tham chiến trong chiến tranh Mậu Thìn với vai trò là lính bảo an ở Fushimi, rồi rời khỏi Kyoto một cách hòa bình dưới sự giám sát của wakadoshiyori Nagai Naoyuki, ít lâu sau sự rút lui của Tokugawa Yoshinobu.[7]

Hạ tuần tháng 1 năm Keiō thứ 4 (1868), chiến sự nổ ra giữa Mạc Phủ và liên minh Satsuma – Chōshū (gọi tắt là Satchō) tại trận Toba-Fushimi mà Shinsengumi tham chiến cùng.[8] Quân Mạc Phủ chiếm ưu thế về số lượng, nhưng chẳng mấy chốc đã bị quân Satchō cùng vũ khí tối tân áp đảo buộc cả nhóm phải rút lui về căn cứ dưỡng sức rồi đầu quân dưới trướng của Enomoto Takeaki, tổng tư lệnh hạm đội quân Mạc Phủ, ít lâu sau thừa lệnh của Enomoto, toàn đội triệt thoái cùng quân Cựu Mạc về Edo.

Tiếp đến, Shinsengumi được trao nhiệm vụ ngăn chặn đường tiến quân của quân đội phiên Kai thuộc phe Tân chính phủ (gồm quân liên minh các phiên đảo Mạc) nhưng do binh lực quá sức chênh lệnh nên toàn quân đại bại trong trận Kōshū Katsunuma, ít lâu sau thì quân Tân chính phủ kéo đến bao vây toàn bộ lâu đài Edo, buộc tòa thành phải đầu hàng vô điều kiện vào đầu tháng 4. Sau đó, Shinsengumi theo lệnh Mạc Phủ tiến quân đến lãnh địa phiên Aizu nhằm bảo toàn lực lượng và tổ chức phòng thủ, tại đây cả nhóm quyết định đổi tên đội thành Kōyō Chinbutai. Về sau, toàn đội lại quay về Edo, do mâu thuẫn về chính sách của nhóm nên hai thành viên chủ chốt là Nagakura Shinpachi và Harada Sanosuke lập tức rời khỏi đội tạo dựng một đội riêng mang tên Seiheitai, với nhiệm vụ tham chiến cùng quân Mạc Phủ tại Kanuma. Kondō, Hijikata tập hợp những thành viên còn lại tiếp tục lui binh, khi di chuyển đến núi Nagareyama thì Kondō Isami bị quân chính phủ Minh Trị bắt sống và đem ra chém đầu ở pháp trường Itabashi, riêng Okita Sōji phải ở lại Edo dưỡng bệnh vì chứng lao phổi kinh niên bắt đầu chuyển biến xấu dần rồi ít lâu sau thì qua đời.

Trung tuần tháng 4 cùng năm, Shinsengumi dưới trướng quân đội Mạc Phủ tham gia trận tấn công thành Utsunomiya, đại bản doanh của quân Tân chính phủ trong chiến tranh Aizu nhưng đại bại chỉ sau bốn ngày chiến đấu, thành viên chủ chốt của đội là Saitō Hajime quyết định rời nhóm và ở lại Aizu cố thủ, số thành viên còn lại liên hợp với quân của Enomoto rút về vùng Ezo, tại đây họ mau chóng đánh bại phiên Matsumae cai trị Ezo rồi thừa cơ chiếm lấy cảng Hakodate làm nơi đóng quân. Thượng tuần tháng 1 năm Minh Trị thứ 2 (1869), Enomoto cùng các quan chức và quân đội Cựu Mạc đã chính thức thành lập nước Cộng hòa Ezo ở Hakodate. Tuy nhiên, nước Cộng hòa non trẻ đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc tiến công dữ dội của quân Tân chính phủ qua các trận chiến ở vịnh Miyako, FutamataguchiMatsueguchi. Quân Tân chính phủ với ưu thế về vũ khí và số lượng đông đảo đã nhanh chóng tiến hành bao vây Hakodate, Hijikata cùng vài thành viên còn lại trong nhóm cố gắng giải vây tại pháo đài Benten Daiba,nhưng không may trúng đạn tử trận trên đường ứng cứu, đám tàn quân còn lại của Shinsengumi ra sức cố thủ nhưng vì lương thực đã cạn kiệt, khó mà tiếp tục chiến đấu, toàn bộ thành viên Shinsengumi dưới quyền tân cục trưởng Sōma Kazue lần lượt bước ra ngoài thành đầu hàng ở Benten Daiba.[9]. Quân đội cựu Mạc Phủ trú đóng tại thành Goryokaku ở Hakodate cũng tự động buông khí giới và mở cổng thành ra hàng quân chính phủ Minh Trị, sứ mệnh nước Cộng hòa Ezo cùng vai trò lịch sử của Shinsengumi chính thức cáo chung.

Một vài thành viên cối lõi khác, ví dụ như Shinpachi Nagakura, Saito Hajime, và Shimada Kai, sống sót sau khi nhóm bị giải tán. Vài thành viên, ví dụ như Takagi Teisaku, sau này thậm chí trở thành những nhân vật nổi bật trong xã hội và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Nhật Bản mãi về sau.[10]